Tất nhiên đây là cách cài đặt không chính thức và Microsoft cũng không khuyến khích người dùng thực hiện.
Microsoft đã khiến nhiều người dùng bối rối với quy định bất kỳ máy nào muốn nâng cấp chính thức lên Windows 11 sẽ cần phải hỗ trợ TPM 2.0, với lý do là để đảm bảo khả năng bảo mật.
Vấn đề ở đây là thậm chí những chiếc máy tính tương đối hiện đại, phần cứng còn khá mạnh mẽ, nhưng vẫn không hỗ trợ TPM 2.0, có nghĩa là chỉ những máy từ vài năm trở lại đây mới chính thức đáp ứng các yêu cầu tối thiểu cho Windows 11.
Tuy nhiên, mới đây chính Microsoft đã tiết lộ cách “vượt rào”, để nâng cấp các máy Windows 10 lên Windows 11 mà không cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu TPM 2.0. Bạn vẫn sẽ cần hỗ trợ cho TPM 1.2, nhưng chỉ cần như vậy là đã đủ để rất nhiều máy có thể nâng cấp.
Theo cách được Microsoft đăng tải trên trang hỗ trợ của công ty, bạn cần đảm bảo rằng bạn đã bật TPM 1.2 trong BIOS. Cách dễ nhất để kiểm tra xem tính năng này đã được bật chưa là nhấn Win + r và nhập tpm.msc. Phiên bản TPM bạn có cũng được hiển thị ở góc dưới cùng bên phải. Nếu nó không được bật, bạn sẽ cần vào BIOS và bật lên.
Cách sửa đổi cũng khá đơn giản. Chỉ cần nhấn Win + r và gõ regedit. Vào key Registry
HKEY_LOCAL_MACHINE\SYSTEM\Setup\MoSetup, sau đó nhấp chuột phải vào cửa sổ và chọn tạo DWORD (32-bit) Value mới với tên AllowUpgradesWithUnsupportedTPMOrCPU và đặt giá trị của nó thành 1.
Với tinh chỉnh này, bạn đã có thể cài đặt Windows 11 nếu đáp ứng được những phần cứng tối thiểu khác:
Bộ xử lý: 64-bit 2 lõi 1 GHz trở lên
RAM 4 GB
Dung lựng: 64 GB
Firmware hệ thống UEFI và kích hoạt Secure Boot
Dù vậy, nếu không có gì gấp thì bạn cũng không cần nâng cấp lên Windows 11 ngay lập tức. Mặc dù Windows 11 có một số tính năng hấp dẫn, nhưng như bất kỳ một hệ điều hành mới nào, luôn có lỗi và sự cố trong thời gian mới phát hành, vì vậy bạn nên xem xét cài đặt sau khi mọi thứ ổn định hơn.
Theo PCGamer